Thông kê truy cập
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ
Ông Nguyễn Văn Quảng, 78 tuổi, ngụ tại số 6, ngõ 55 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính được bầu chọn là tấm gương học tập suốt đời năm 2020 của Chi hội khuyến học tổ 16, khu dân cư Bồ Đề, Hội khuyến học Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện Hương Sơn, vùng quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ bé, Nguyễn Văn Quảng đã thể hiện quyết tâm “thoát nghèo, vượt khó”, phấn đấu vươn lên. Trong những năm học phổ thông từ cấp 1 lên cấp 3, cậu học sinh Quảng tuy phải đi học nơi trường xa, nhưng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng thanh niên dời quê nghèo Hà Tĩnh, ra theo học khoa Toán, trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Trong hơn 4 năm rèn luyện tu dưỡng, học tập tại Trường Đại học Tổng hợp, sinh viên Nguyễn Văn Quảng đã chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn sâu sắc, đạt kết quả tốt trong kỳ thi hết khóa. Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 1967, được phân công giảng dạy tại khoa Toán, Trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên (nay là Trường Đại học Khoa học thuộc trường Đại học Thái Nguyên). Từ khi ra trường đến khi nhận sổ hưu về nghỉ theo chế độ vào năm 2005, trong thời gian 38 năm liên tục đứng trên bục giảng, thầy giáo Nguyễn Văn Quảng được nhiều lớp sinh viên yêu quý bởi thái độ giảng dạy nghiêm túc, mô phạm cùng kiến thức khoa học chuyên sâu. Trong những lần gặp mặt sau khi nghỉ hưu, không ít học sinh vẫn hồi ức lại hình ảnh một thầy giáo người nhỏ nhắn, với âm giọng nặng, trầm ấm. Những giờ học toán tích phân, vi phân vô cùng khô khan, nhưng được Thầy Quảng giảng giải một cách say sưa, chậm rãi tỉ mỉ, khiến cho lớp sinh viên những năm tháng sơ tán chống Mỹ ở Thái Nguyên nhớ mãi những kiến thức được học.
Ngay trong thời gian giảng dạy Đại học, Thầy Quảng đã chủ động tham gia giảng dạy thêm cho các cháu học sinh phổ thông ôn thi Đại học. Với nhiều năm bồi dưỡng kiến thức, Thầy Quảng được tiếp xúc với nhiều đối tượng, các lứa tuổi khác nhau, từ học sinh phổ thông trẻ đến sinh viên Đại học, trong đó có những sinh viên tại chức, chuyên tu lớn tuổi. Thầy Quảng rút ra một điều rất quan trọng là: Học tập rất cần thiết và bổ ích cho mọi người, mọi lứa tuổi khác nhau. Sự nghiệp, công việc có thể ngừng nghỉ, nhưng việc học tập thì cần phải liên tục, suốt đời không lúc nào gián đoạn, nghỉ ngơi, đúng như câu khẩu hiệu: “Học suốt đời, học nữa, học mãi”. Việc học tập giúp mỗi người có nhận thức đúng và kịp thời về sự thay đổi của xã hội, để từ đó có lời nói đúng, việc làm đúng, làm chủ bản thân, làm chủ gia đình nhỏ của mình và để trước hết tự cứu lấy mình.
Thầy Quảng từng tâm sự: “Trong xã hội, tuy cũng có một số ít người thành đạt trong cuộc sống, nhờ họ học ở trường đời và thực tế. Nhưng tôi thấy phần lớn những người thành đạt, chắc chắn khi ở tuổi thiếu niên, thanh niên họ phải có quá trình học tập, tu dưỡng tốt ở trong nhà trường. Sự vận dụng sáng tạo kiến thức vào cuộc sống, nếu dựa trên nền tảng kiến thức cơ bản học trong nhà trường thì sự sáng tạo đó an toàn và bền vững hơn. Ở lứa tuổi học sinh, tôi nghĩ rằng các cháu học sinh phải học kỹ, học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa thì mới có thể đạt kết quả cao trong các kỳ thi và để học tốt hơn trong những bậc học cao sau này”.Thầy cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Trước kia, trong khi đi dạy luyện thi Đại học, tôi đã hướng dẫn cho phụ huynh một gia đình công nhân nghèo ở Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên cách kèm cặp và kiểm tra việc học tập của các con trong nhà như sau: Trước đây, thi Đại học là thi Tự luận gồm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Về lý thuyết, yêu cầu các con của phụ huynh này phải học thuộc lòng tuyệt đối các bài trong sách giáo khoa, chỉ cần phụ huynh nhắc đến mục lục của sách giáo khoa thì học sinh đó phải đọc thuộc lòng nội dung của mục đó trong sách giáo khoa một cách chính xác từng chữ. Mỗi tuần học thuộc 01 chương sách, cuối năm phải thuộc lòng cả cuốn sách giáo khoa”.
Với phương pháp “học vẹt” đó, các con của gia đình này đã đỗ Đại học với số điểm rất cao. Một em đỗ Thủ khoa Đại học Y Thái Nguyên, được đi học ngành y ở Liên Xô, hiện là Tiến sĩ y khoa giảng dạy tại Đại học ở Úc, một em khác đỗ Thủ khoa Đại học Ngoại thương, học công nghệ tại Liên Xô, hiện là Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Một em nữa học Kinh tế Quốc dân và hiện là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân.
Ngày nay thi bằng trắc nghiệm, nhưng muốn có kết quả tốt cũng cần phải học thuộc lòng sách giáo khoa. Nếu không thuộc sách giáo khoa, mà tự ý sáng tạo theo ý mình thì không thể đạt điểm cao trong các ký thi được. Hiện nay thi đỗ Đại học không khó, nhưng muốn vào được các trường tốp trên có danh tiếng thì vẫn rất khó. Vào được các trường tốp trên thì ra trường sẽ thuận lợi hơn trong khi đi tìm việc làm.
Trên đây là những suy nghĩ của tôi đối với việc học tập hiện nay. Tôi mong muốn có được sự đóng góp của nhiều người để làm tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp trồng người của đất nước trong công cuộc đổi mới toàn diện của Việt Nam”.
Từ năm 2005, về sinh sống tại ngõ 55 phố Chính Kinh, cùng với người vợ tần tảo Trần Thị Bảo, gia đình ông Quảng đã tham gia tích cực vào các phong trào của Hệ thống chính trị khu dân cư, đặc biệt là công tác khuyến học của tổ dân phố. Bà Trần Thị Bảo nhiều năm đảm đương chức vụ Phó Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Nhà văn hóa khu dân cư Bồ Đề. Ông Bà nhận thấy trong tổ dân phố, có một số gia đình nghèo, lao động kiếm sống, không đủ chi phí cho con, em học thêm. Với nhiệt tình cùng kinh nghiệm bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh ôn thi vào Đại học, Ông Bà chủ động mở lớp học bồi dưỡng thi Đại học miễn phí cho nhiều cháu trong hàng chục năm vừa qua, hiện tại không ít cháu học các lớp này đã tốt nghiệp Đại học và đi công tác trong các cơ quan hoặc xí nghiệp liên doanh. Ngoài ra, gia đình Ông Quảng hằng năm đều có phần thưởng khuyến khích, động viên cho các cháu đỗ Đại học khu dân cư. Những quyển sổ tay ghi chép, cùng các gói quà vật chất không lớn, tặng cho hàng chục học sinh, đã thể hiện tấm lòng quan tâm đến việc học tập chung của Ông, Bà, đều khiến các cháu quyết tâm hơn trong quá trình học tập Đại học.
Tuy đã gần bát tuần, vượt qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Quảng vẫn tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ để theo kịp thời đại “4.0”. Ông sử dụng thành thạo laptop, điện thoại thông minh, những ứng dụng tiên tiến, cập nhật mọi thông tin mới để biết được tình hình chính trị, xã hội cùng những nội dung cần thiết, bổ sung kiến thức để giảng dạy.
Bằng những suy nghĩ, hành động thiết thực trong công tác khuyến học và tự bồi dưỡng học tập, Ông Nguyễn Văn Quảng xứng đáng và vinh dự được bầu chọn là “Tấm gương học tập suốt đời năm 2020” của Chi hội khuyến học tổ 16, khu dân cư Bồ Đề và được Hội khuyến học phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội tặng Giấy khen.
Nguyễn Hữu Tâm Chi hội khuyến học tổ 16, Bồ Đề