Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN









Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 599
Lượt truy cập trong tuần: 461
Lượt truy cập trong tháng: 0
Lượt truy cập trong năm: 0
Tổng số truy cập: 2699810

VĂN HÓA XÃ HỘI VĂN HÓA XÃ HỘI

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn quận Thanh Xuân
Ngày đăng 26/05/2023 | 14:40  | Lượt xem: 759

Thanh Xuân là vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Thủ đô. Những năm qua, quận đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số, mới đây, quận đã ra mắt trang thông tin “Cụm di tích gắn với lễ hội năm làng Mọc” sử dụng công nghệ ảnh 360O để tuyên truyền, quảng bá di sản độc đáo này của quận đến nhân dân và khách du lịch.

Lễ hội năm làng Mọc - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội năm làng Mọc - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân mới cho ra mắt trang thông tin “Cụm di tích gắn với lễ hội năm làng Mọc” sử dụng công nghệ ảnh 360O (https://vrcafe.vn/vr/thanhxuan2022/). Năm làng Mọc, hay Kẻ Mọc là vùng đất cổ của Thăng Long xưa.

Năm ngôi làng gồm: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang có tục kết chạ. Tương truyền ngày xưa, do thiên tai cho nên người dân quanh vùng rơi vào tình trạng đói kém, dịch bệnh. Người dân làng Phùng Khoang đã được vua giao việc nấu cháo, cơm nắm để phát cho người dân. Một cậu bé khi nhận được nắm cơm đã chia cho bốn cậu bé khác cùng ăn.

Năm người đã kết nghĩa anh em, cùng lập nghiệp ở vùng này, tạo thành năm làng Mọc (nay làng Phùng Khoang thuộc địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Cả năm làng đều có hệ thống di tích, gồm nhiều loại hình: đình, chùa, văn chỉ. Lễ hội năm làng Mọc thuộc nhóm những lễ hội lớn của Hà Nội hiện nay.

Trang thông tin “đón” người xem bằng một bức ảnh toàn cảnh vùng đất Kẻ Mọc từ trên cao. Những khu vực có di tích đều được đánh dấu và chỉ cần bấm chuột vào những khu vực được đánh dấu, người xem có thể bắt đầu hành trình khám phá các di tích xưa. Mỗi hạng mục đều được mô tả chi tiết bằng những bức ảnh 360O, đi kèm với thuyết minh song ngữ Việt, Anh. Khách tham quan cũng có thể lựa chọn đọc dữ liệu văn bản thay vì nghe thuyết minh. Tổng cộng có tám di tích được giới thiệu, gồm các di tích như: Đình, chùa, văn chỉ làng Quan Nhân; đình, chùa Giáp Nhất; đình Cự Chính, chùa Bồ Đề…

Cũng tại trang thông tin này, khách tham quan sẽ được thưởng thức không khí của lễ hội năm làng Mọc qua các hình ảnh, clip. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Xuân Ngô Minh Hồng cho biết: “Chúng tôi cùng các đơn vị chức năng đã xây dựng kịch bản, triển khai quay chụp thực tế, làm hậu kỳ... để cho ra đời sản phẩm. Việc xây dựng sản phẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt truyền thông, quảng bá, mà qua đó, quận nhận diện rõ hơn những giá trị di sản, những vấn đề đang đặt ra để tạo cơ sở cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng chính sách”.

Thanh Xuân là vùng đất cổ của Thăng Long-Hà Nội, nơi có nhiều di tích, nhiều lễ hội và phong tục tập quán từ xa xưa để lại. Ngoài hệ thống đình, chùa, Thanh Xuân còn có di tích Gò Đống Thây, một di tích hết sức đặc biệt, ghi dấu những chiến thắng oanh liệt của khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo trước giặc Minh xâm lược.

Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, thời gian qua, quận Thanh Xuân đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: Duy trì kiểm tra công tác quản lý; chống mất cắp di vật, đồ thờ tự; đầu tư trang, thiết bị cho phòng cháy, chữa cháy; củng cố, kiện toàn các ban quản lý di tích, tiểu ban quản lý di tích... Song song với tu bổ, quận cũng tích cực tuyên truyền quảng bá về những giá trị di sản đến người dân, đến cộng đồng để phát triển du lịch. Việc “số hóa” cụm di tích và lễ hội năm làng Mọc là một thí dụ điển hình.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng địa bàn quận Thanh Xuân cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. Sự biến đổi nhanh chóng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội... đặt ra những thách thức không nhỏ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết: “Để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, quận Thanh Xuân tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đến nhân dân; gắn bảo tồn, phát huy các giá trị di tích với công tác phát triển du lịch của quận để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm truyền thông “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá điểm đến du lịch là các di tích lịch sử gắn với lễ hội truyền thống “Lễ hội năm làng Mọc” trên địa bàn quận thông qua giao diện ảnh 360O”.

(Nguồn tin Báo Nhân dân)












VIDEO VIDEO